Xuất bản thông tin

null Khởi nghiệp từ sản phẩm kẹo nhãn Châu Thành

Chi tiết bài viết TTGDNN Vấn đề quan tâm

Khởi nghiệp từ sản phẩm kẹo nhãn Châu Thành

Trăn trở với câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của nông sản địa phương, anh Phạm Hữu Nghĩa (SN 1993) - thành viên Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) đã quyết định khởi nghiệp với sản phẩm kẹo nhãn Châu Thành. Điều này góp phần đa dạng hóa sản phẩm nhãn Châu Thành, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh địa phương.

Theo chân anh Phạm Hữu Nghĩa đến khu vực cù lao An Hòa thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tôi thấy phần nhiều là vườn nhãn. Những năm qua, cây nhãn trở thành sản phẩm chủ lực giúp nhiều hộ dân vùng cù lao này vươn lên khá giàu.

Vừa chọn nhãn để làm kẹo, anh Nghĩa chia sẻ, sau khi học xong cấp 3, anh trải qua hơn 2 năm học tập và thực hiện nghĩa vụ trong môi trường quân đội. Đến năm 2013, anh xuất ngũ, trở về quê để phụ giúp gia đình trồng nhãn. Khoảng thời gian canh tác, anh luôn trăn trở phải thay đổi gì để nâng cao giá trị cây nhãn. Nghĩ vậy, đến đầu năm 2019, anh bắt đầu tìm hiểu cách để làm kẹo nhãn.

Lợi thế đầu tiên của sản phẩm kẹo là nhãn của Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa sản xuất hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên đảm bảo về độ an toàn. Đặc biệt, từ trái nhãn, anh Nghĩa đã phối trộn một loại kẹo nhãn gừng và kẹo nhãn khóm để tạo nên yếu tố khác biệt của sản phẩm “con cưng” của mình.

Nhớ lại những ngày “chân ướt, chân ráo” khởi nghiệp, anh Nghĩa chia sẻ: “Trước khi “xắn tay” vào làm, tôi bỏ khá nhiều thời gian lên mạng rồi tìm người quen học hỏi cách chế biến kẹo. Qua nhiều lần thất bại, tôi đã biết cách để hoàn thiện dần sản phẩm. Tuy nhiên, để ra lò được sản phẩm kẹo nhãn đạt chất lượng và được khách hàng tin dùng, phải chú trọng ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Tiếp đến, tôi luôn chú trọng khâu chế biến thực phẩm, không sử dụng phụ gia trong quá trình chế biến. Nhãn sau khi lột vỏ và hạt sẽ rửa sạch đem pha trộn nguyên liệu đậu phộng rang, mè. Tất cả cùng hòa quyện để ra cho sản phẩm kẹo đặc trưng”.

Với quyết tâm lấy ngắn nuôi dài, số tiền lãi được anh Nghĩa đầu tư bao bì, máy đóng gói... cho ra thành phẩm bắt mắt, chất lượng và tạo lòng tin cho khách hàng. Nhờ sự năng động và chịu khó cùng nguồn nguyên liệu chất lượng, sản phẩm kẹo nhãn Châu Thành đã dần tìm được chỗ đứng tại các tiệm tạp hóa trên địa bàn tỉnh và điểm dừng chân thuộc tỉnh Tiền Giang, Long An... Hiện, mỗi tháng anh Nghĩa cung ứng cho thị trường khoảng 500 gói kẹo nhãn Châu Thành (mỗi gói 200g).

Anh Phạm Hữu Nghĩa cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất đầu tư máy móc, bao bì sản phẩm; đăng ký thương hiệu sản phẩm và tìm kiếm thêm nhiều nguyên liệu mới để nâng cao giá trị kẹo. Bên cạnh đó, tôi sẽ tích cực hoàn thiện hồ sợ, mẫu mã đăng ký để tham gia Chương trình OCOP của huyện nhằm từng bước đưa sản phẩm đến gần với nhiều người tiêu dùng thông qua các hội chợ triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại...”.

Trí Dũng(Nguồn: baodongthap.vn)