Xuất bản thông tin

null Câu chuyện “Con đường nông sản”

Chi tiết bài viết TTGDNN Vấn đề quan tâm

Câu chuyện “Con đường nông sản”

Phải nói trước để không thôi bị mang tiếng "đạo văn" của người khác. "Con đường nông sản" là tên một chuyên mục của Đài Truyền hình Việt Nam. Tác giả chỉ xin mượn cụm từ ấy để chia sẻ đôi điều nhân dịp ra mắt "Trung tâm Giới thiệu, trưng bày đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội". Một ý tưởng của nhiều người tâm huyết đã được hiện thực hoá giữa lòng Thủ đô! 

Nông sản, đặc sản xứ Sen hồng của mình đã có tiếng lành đi xa. Nông dân xứ mình năng động lắm. Doanh nghiệp xứ mình sáng tạo lắm. Khởi nghiệp xứ mình khát vọng lắm. Sản phẩm xứ mình đã có mặt ở nhiều chợ đầu mối, trên kệ hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại từ Bắc chí Nam, kể cả nước ngoài. Người quê mình rất đỗi tự hào về sản phẩm quê mình, mà tự hào sản phẩm tích tụ dần sẽ trở thành niềm tự hào quê hương xứ sở. Ngày xưa thì "yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ", ngày nay thì "yêu quê hương qua từng nắm đất", huống chi đây là những sản phẩm kết tinh từ bàn tay, khối óc của người quê mình, trên mảnh đất thân yêu của mình!

Từ trước tới giờ, bà con mình làm ra nông sản, đến mùa vụ thì trông ngóng thương lái đến thu mua. Một chị thương lái mà cũng là chủ một doanh nghiệp, người luôn đau đáu câu chuyện nông sản xứ mình, ưu tư: "Nông sản Việt như cô gái đẹp, nhưng chỉ biết ngồi nhà mà chờ người đến tán tỉnh". Nghĩa là không chủ động tìm đến thị trường. Nghĩa là cứ "mua đứt, bán đoạn". Nghĩa là mua bán theo kiểu "tiền trao, cháo múc". Rất nhiều khuyến nghị bà con nông dân, doanh nghiệp nào là phải "sản xuất theo tín hiệu của thị trường", nào là phải "bán cái thị trường cần, chứ đừng có bán cái mình có". Nói vậy coi chừng là đánh đố bà con đó! Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thì bà con làm sao có đủ số lượng để tự mình mang đến thị trường rộng lớn mà buôn mà bán?!? Với quy mô sản xuất nhỏ thì doanh nghiệp làm sao cạnh tranh được khi mà chi phí vận chuyển, kho bãi, quảng bá, tìm kiếm thị trường đều cao?... Đất lạ, quê người, trăm thứ bỡ ngỡ, biết bao khó khăn, rủi ro rình rập. Người tiêu dùng ở các vùng miền khác nhau có yêu cầu khác nhau, thị hiếu khác nhau, cảm xúc cũng là khác nhau. Hổng biết là thất bại liền!

Tất cả trở ngại trên là rào cản làm cho sản phẩm của quê mình khó mà đi xa một cách bền vững. Hoặc đi được vài chuyến rồi đứt gãy. Hoặc khi đem đến các hội chợ thì rầm rộ nhưng kết thúc rồi thì "ai về nhà nấy", lại tiếp tục ngóng chờ hội chợ lần sau. Buôn bán như vây thì đâu khác gì chợ phiên trăm năm trước. Muốn vượt qua những rào cản đó để đặc sản của mình đi xa hơn, chiếm lĩnh thị trường một cách đỉnh đạc hơn, thì không có cách nào khác là phải "đi cùng nhau"! "Đi cùng nhau" để bổ sung cho nhau, nương tựa vào nhau, để tiết kiệm từng đồng chi tiêu, để cùng tạo ra thương hiệu chung và từ thương hiệu chung đó tạo ra thương hiệu riêng cho nông sản của mình, sản phẩm của mình.

Trung tâm Giới thiệu, trưng bày đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội là ngôi nhà chung cho các hội quán, hợp tác xã, doanh nghiệp quê mình. Trung tâm đâu chỉ là nơi giới thiệu hay quảng bá sản phẩm, đâu chỉ là nơi kết nối hàng hoá với thị trường. Trung tâm còn là không gian kết nối giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp với các đối tác, khách hàng. Trung tâm còn là không gian nhận tín hiệu thị trường để dẫn dắt các cơ sở sản xuất thay đổi phù hợp thị trường. Trung tâm còn là không gian quảng bá thắng cảnh, văn hoá, lịch sử một vùng đất còn đậm chất thiên nhiên để thu hút khách du lịch tìm đến trải nghiệm vẻ đẹp quê mình.

Chuyện mua bán theo cách truyền thống thì đơn giản hơn mua bán thời kinh tế số. Ngày xưa thì bưng thúng xoài, giỏ cam, cần xé nhãn ra chợ, vào cửa hàng, trung tâm thương mại mà bán. Bây giờ thì có kênh buôn bán trực tuyến rồi, buôn bán qua mạng xã hội rồi. Những phương thức mới đôi khi còn mang lại doanh số nhiều hơn. Buôn bán bây giờ còn phải hiểu biết sâu sắc về khách hàng, nào là tuổi tác thế nào, giới tính là gì, văn hoá, tâm lý, cảm xúc ra sao. Quan trọng là đâu phải mua bán một lần rồi thôi, mà còn nghệ thuật hậu mãi, còn phải biết tạo mối quan hệ tình cảm nối kết giữa người bán và người mua. Người ta nói "phải biết giữ mối là vậy đó"! Từ một đầu mối sẽ lan toả ra nhiều đầu mối khác, rồi mở rộng dần trở thành một mạng lưới khách hàng.

Như vậy, cái "Trung tâm Giới thiệu, trưng bày đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội" ra đời, mục đích cuối cùng không chỉ là chuyện mua và bán, chuyện doanh thu và lợi nhuận. Trung tâm đó có đa chức năng, là cầu nối đưa hình ảnh, thương hiệu Đất Sen hồng đến với Thủ đô và các địa phương khác. "Kết nối để vươn xa"! "Muốn vươn xa thì đi cùng nhau"! "Muốn đi cùng nhau" thì phải tổ chức lại các hình thức liên kết, hợp tác giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong các không gian hội quán, hợp tác xã, câu lạc bộ đặc sản trong từng vùng nguyên liệu. "Muốn đi cùng nhau" thì phải chuẩn hoá sản phẩm từ bao bì, nhãn mác cho đến chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không được để tình trạng "đứt hàng". Muốn đi cùng nhau thì phải biết giữ chữ tín - "trước sau như một". Chỉ cần "Một lần bất tín thì vạn lần bất tin"! Nhiều bài học mua bán, liên kết thất bại do "chữ tín" vẫn còn đó. Thành công trong sản xuất, kinh doanh không chỉ từ vốn liếng, trình độ, kinh nghiệm, mà quan trọng hơn, quyết định hơn là biết giữ "chữ tín" ở các bên đối tác.

Ở một đất nước phát triển có một thông điệp ngầm mà mọi người dân đều thấm thía: "Ai sản xuất thì sản xuất sao cho chất lượng nhất. Ai bán hàng thì bán sao cho được nhiều hàng hoá trong nước nhất. Vì một lẽ, ai cũng hiểu rằng đằng sau mỗi sản phẩm tiêu thụ là công ăn việc làm của bao người dân của mình"!

"Đường lớn đã mở đi đến tương lai" - "Con đường nông sản" đã mở nhưng còn quá nhiều việc cần làm, phải làm, để đường không bị tắc, bị "phán" là "đánh trống, bỏ dùi"! 

Xích Lô (dongthap.gov.vn)