Xuất bản thông tin

null Hồng Thị Cẩm

Trang chủ Nhân vật lịch sử huyện

Hồng Thị Cẩm

Tóm tắt: 
Bà Hồng Thị Cẩm
Quê quán: xã An Hiệp, trú quán xã Phú Hựu (nay thuộc thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)
Năm sinh: 1905
Năm mất: 1968

Bà Hồng Thị Cẩm

Bà Hồng Thị Cẩm, sinh năm 1905, tại xã An Hiệp, trú quán xã Phú Hựu (nay thuộc thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Bà, chồng bà và 1 con trai là liệt sĩ, 1 con gái là thương binh hạng Nhất.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, bà làm giao liên cho Văn phòng Huyện uỷ Châu Thành. Sau Hiệp định Genève, bà được phân công ở lại, tiếp tục công tác ở Văn phòng Huyện ủy. Từ năm 1960 - 1968 bà được phân công làm công tác hậu cần, nhưng hoạt động công khai, chủ yếu là tiếp liệu cho quân y và công trường huyện. Trong giai đoạn này, bà còn tham gia lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình chống Mỹ - ngụy.

Năm 1967, bị địch phục kích bắt, rồi bị chiêu hồi chỉ điểm nhìn mặt, nên bà bị giam ở khám Vĩnh Long 1 năm. Ra tù bà tiếp tục công tác hậu cần, cất chòi trại bám đất xã Phú Hựu. Trong 1 đêm lính biệt kích Mỹ đột vô bắn bà bị thương cùng 2 đồng đội khác. Nghe động, bộ đội ở gần đó liền bắn chi viện, giải vây, bọn địch buộc phải rút lui.

Đặng Kim Hạnh, con gái bà Cẩm đang ở chung, không bị thương, liền lấy khăn choàng tắm buộc bụng mẹ không để ruột đổ ra, rồi lấy xuồng còn đang chứa đạn để ở mé mương phía trước chở đi. Biết mình khó qua khỏi, bà bình tĩnh dặn con: “Thà chết không được sống chung với giặc, làm tôi không thờ hai chúa nghe con!”

Trên đường đến quân y, bà Cẩm và 1 đồng đội nữa hy sinh.

Sau ngày giải phóng, mộ bà cùng chồng và con trai được đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành.

Bà được Hội đồng Nhà nước, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công nhận liệt sĩ và truy tặng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, bằng tổ quốc ghi công.

Năm 1994, bà được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu cao quý: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

BBT