Xuất bản thông tin

null Nỗ lực xây dựng Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”

Chi tiết bài viết TTGDNN Tin nổi bật

Nỗ lực xây dựng Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”

Với tầm nhìn định vị Đồng Tháp trở thành “địa phương khởi nghiệp”, từ năm 2015, tỉnh đã phát động chương trình khởi nghiệp nhằm mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong mọi người dân, doanh nghiệp.

Zalo

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa

Đồng thời, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những điểm sáng của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Xoay quanh kết quả nổi bật này, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa có cuộc trao đổi với Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp.

Phóng viên: Những năm gần đây, Đồng Tháp nổi lên như một điểm sáng về địa phương khởi nghiệp, với các dự án khởi nghiệp mỗi năm ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Xin ông cho biết, sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong phong trào khởi nghiệp của tỉnh thời gian qua?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Đồng Tháp, tuy có nhiều lợi thế, nhất là về nông nghiệp, nhưng phần lớn là thuần tuý là nông dân, tỷ lệ số doanh nghiệp trên vạn dân còn thấp so với các địa phương trong vùng. Để phát huy lợi thế, phát triển kinh tế, nâng cao chuỗi giá trị, tỉnh đã xác định phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trên cơ sở đó, từ nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn thể hiện rõ quyết tâm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động khởi nghiệp đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Trước hết, khởi nghiệp từng bước được lồng ghép vào kế hoạch, chương trình hoạt động của từng ngành, từng địa phương. Chúng tôi đã tạo sự nối kết mật thiết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp dẫn đầu trong tỉnh. Đáng quý hơn là khi một số doanh nhân là người Đồng Tháp thành công ở các nơi khác quay về địa phương để hỗ trợ, dẫn dắt các bạn khởi nghiệp quê mình, và các doanh nghiệp lớn trong tỉnh đồng hành với các dự án khởi nghiệp, hướng dẫn, hỗ trợ và sử dụng các sản phẩm khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh còn tạo điều kiện, cơ hội giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động, chuỗi sự kiện như: Phiên chợ Nông sản an toàn; Mỗi xã một sản phẩm; Hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh và ở nước ngoài; thành lập các trung tâm giới thiệu hàng hoá ở các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; ký kết giao thương với các hệ thống siêu thị lớn; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng, phát triển sản phẩm, thành lập doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, nâng chất lượng, cải tiến bao bì v.v. cùng các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị, kỹ năng bán hàng, tiếp thị, quảng bá v.v..

Cùng với đó là tạo nên mạng lưới kết nối giữa các bạn có dự án khởi nghiệp với nhau để hỗ trợ lẫn nhau, giữa các bạn có dự án khởi nghiệp với người nông dân để hình thành mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm nguồn nguyên liệu an toàn, bền vững, giữa các bạn có dự án khởi nghiệp với các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh để tối ưu hoá nguồn lực.

Kết quả thực hiện chương trình khởi nghiệp sáng tạo, Đồng Tháp có 18 nhãn hiệu nông sản đặc thù được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; phát triển các sản phẩm mới có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến tại các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp và đã có trên 150 sản phẩm khởi nghiệp được thị trường chấp nhận.

Phóng viên: Từ kết quả trên cho thấy, điểm nổi bật nhất mà Đồng Tháp đạt được chính là đã kích thích được phong trào khởi nghiệp trong mọi tầng lớp nhân dân, thưa ông?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Đúng vậy! Trong thời gian vừa qua, Đồng Tháp đã bước đầu tạo dựng được những nền tảng cơ bản cho khởi nghiệp. Hoạt động khởi nghiệp ở Đồng Tháp ngày một phong phú, đa dạng và dần lan tỏa đến nhiều giai tầng, thành phần xã hội, từ các bạn trẻ đến người lớn tuổi, các bạn đang làm ăn xa, du học sinh trở về.

Cảm động hơn khi tôi thấy các bạn trẻ đã động viên, hướng dẫn cho nhau, hỗ trợ và kết nối với nhau, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế khởi nghiệp. Cá nhân tôi như được truyền cảm hứng từ các bạn trẻ ấy.

Đồng Tháp có rất nhiều dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Gần đây, tỉnh còn ghi nhận nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, điển hình như dự án phát triển du lịch cộng đồng, dự án ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, cùng nhiều dự án đạt các giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp, cụ thể như dự án chế biến snack từ da cá tra đạt giải 3 Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia.

Con đường khởi nghiệp luôn gập ghềnh, nhưng với quan điểm tích cực thì chúng ta phải quyết tâm đi đến cùng, xem những thất bại ban đầu là những thử thách, những kinh nghiệm để bước đi cao hơn, xa hơn. Chỉ cần có đam mê, tôi tin rằng nếu có niềm tin thì chúng ta sẽ làm được.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, thực tế các dự án khởi nghiệp phát triển thành công của Đồng Tháp còn khá khiêm tốn? Về hệ sinh thái khởi nghiệp, Đồng Tháp hiện gặp những khó khăn gì và ông có những kỳ vọng gì và giải pháp nào cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Đồng Tháp trong những năm sắp đến?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Chương trình khởi nghiệp đã thật sự lan tỏa trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, thực tế là số dự án khởi nghiệp phát triển được còn khá khiêm tốn. Ngoài ra, Đồng Tháp vẫn còn ít dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp - một thế mạnh của Đồng Tháp.

Để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp có hiệu quả, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh sẽ định hướng tập trung phát triển về chất lượng, thúc đẩy các dự án tiềm năng trưởng thành trở thành những doanh nghiệp nhỏ và vừa; có sự chọn lọc, ưu tiên định hướng khởi nghiệp cho các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, chú trọng khởi nghiệp trong một số ngành đang có có lợi thế và tiềm năng.

Mối quan tâm hàng đầu của tỉnh là việc hình thành một cộng đồng khởi nghiệp năng động. Cộng đồng này được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp dẫn đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu, với tinh thần chào đón, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp mới cùng tham gia. Tôi mong muốn thời gian tới, tinh thần ấy sẽ ngày càng lan tỏa hơn nữa.

Về kỳ vọng cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, tỉnh không cầu toàn về những điều kiện hoàn hảo, lý tưởng, không quá đặt nặng vào những mục tiêu ngoài tầm với, mà chia ra thành từng giai đoạn, với giải pháp cụ thể, khả thi. Trong thời gian này, tỉnh quan tâm đến việc phát huy tài nguyên bản địa, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Kế đến, từ những sản phẩm có tiềm năng, sẽ áp dụng những công nghệ mới, những mô hình quản trị mới, thích ứng với cuộc cách mạng số.

Phóng viên : Trong nhiều lần nghị sự về khởi nghiệp, ông từng nhấn mạnh, khởi nghiệp không chỉ là chuyện của doanh nghiệp mà là chuyện của địa phương với phương châm "bước qua rào cản tư duy nhiệm kỳ, chính quyền các cấp cần là cầu nối để đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp". Vậy, trong nhiệm kỳ mới (2020 – 2025), Đồng Tháp sẽ làm gì để chủ trương đồng hành sẽ ngày càng lan toả?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Câu chuyện khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp là cả một quá trình, làm sao tạo ra sự lan toả nhưng đảm bảo tính kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đảm bảo dự án khởi nghiệp không phải lủi thủi, đơn thương độc mã trên thương trường, đó chính là định hướng phát triển chiều sâu mà tỉnh đã và đang thực hiện.

Đồng Tháp mong muốn khởi nghiệp cần được thẩm thấu vào cả hệ thống, được kiên nhẫn vun đắp cho tương lai, chứ không phải là thành tích của một cá nhân hay của một giai đoạn.

Để các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng thêm hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần sự đồng hành của người đứng đầu các ngành, các địa phương; khơi dậy và phát huy vai trò đồng hành, kết nối của các hiệp hội, hội, câu lạc bộ để từ đó xây dựng được cộng đồng khởi nghiệp tại các địa phương.

Tỉnh mong muốn các mô hình khởi nghiệp của thanh niên sẽ được nhân rộng và phát huy hơn nữa. Đây sẽ là đòn bẩy cho những bước đầu kết nối các nguồn lực ở địa phương tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh không chỉ trong thanh niên, mà còn trong các cá nhân và doanh nghiệp đã, đang khởi nghiệp trong tỉnh. Mỗi cá nhân thanh niên làm kinh tế, thanh niên khởi nghiệp của tỉnh sẽ là những mảnh ghép sáng trong bức tranh khởi nghiệp của Đất Sen hồng.

Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp để cùng đi, cùng phát triển, cùng xây dựng một địa phương khởi nghiệp trên Đất Sen hồng - Đồng Tháp.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Khánh Vy (Nguồn: dongthap.gov.vn)