Xuất bản thông tin

null Triết lý tự quản và vai trò tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư

Chi tiết bài viết TTGDNN Vấn đề quan tâm

Triết lý tự quản và vai trò tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư

Sáng ngày 04/7/2020, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức buổi nói chuyện chuyện đề của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về "Triết lý tự quản và vai trò tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư" đến các huyện, thị xã thành phố trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tuyến, Ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị, ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy tham dự tại điểm cầu trực tuyến Tỉnh. Tại điểm cầu huyện Châu Thành, ông Võ Ngọc Thành – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện chủ trì, cùng các báo cáo viên, công tác viên dư luận, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp huyện tham dự.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến huyện Châu Thành

Tại buổi nói chuyện ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy đã trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các Tổ nhân dân tự quản, bản chất hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư cơ sở chính là “giá trị xã hội”, điều này không phải từ các tác nhân bên ngoài tác động vào mà chính là từ những biểu hiện uy tín xã hội của mỗi con người hoặc từng tập thể cộng đồng đó tạo nên. Hoạt động tự quản khi được thực hiện tốt, đạt kết quả cao sẽ tạo nên áp lực tích cực để quyền lực nhà nước tự điều chỉnh, xóa dần đi những tồn tại, hạn chế. Hoạt động tự quản còn đơn giản hóa các quy định của Nhà nước, làm cho sự quản lý của Nhà nước trở nên gần gũi, thâm nhập vào hệ tư tưởng đời sống của mỗi một người dân, làm cho các quy định của Nhà nước trở nên dễ hiểu, dễ áp dụng.

Các điểm cầu trực tuyến tham dự Hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng Nhà nước trao quyền, khuyến khích, khơi gợi hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư là biểu hiện của sự quan tâm, lắng nghe, tin tưởng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Những quy tắc cư xử thường ngày trong xóm, ấp có thể trở thành “luật bất thành văn” được cộng đồng dân cư đồng thuận và nghiêm túc thực hiện. Để làm được triết lý này, cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải dần trao quyền cho người dân những vấn đề thuộc trách nhiệm tự quản của họ, tránh sự áp đặt một cách cứng nhắc.

Ông Lê Minh Hoan- Bí thư Tỉnh ủy đã trao đổi, chia sẻ với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các Tổ nhân dân tự quản

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ấp, khóm có vai trò là người phụ trách hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư, hỗ trợ việc thực thi quyền lực nhà nước ở cơ sở; là người vừa thay mặt nhà nước để triển khai các công việc chung theo yêu cầu của xã hội, mặt khác vừa là người khởi xướng, giải quyết những công việc nảy sinh mâu thuẫn trong hoạt động tự quản của cộng đồng. Đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, “Chúng ta đang làm cuộc cách mạng về tổ chức chính trị - xã hội, trong đó phát huy, năng lực, vai trò của người dân. Và trước tiên, chúng ta phải làm cuộc cách mạng cho chính mình, đừng tối ưu hóa quyền lực nhà nước mà quyền lực đó phải được trao lại cho người dân. Để làm được điều này là rất khó, vì vậy rất cần sự kiên trì mới có thể làm được.

Tính đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh có 12.587 Tổ Nhân dân tự quản, với hơn 428.000 hộ thành viên, đã phủ kín địa bàn toàn tỉnh. Qua đánh giá, có 9.879 tổ hoạt động ổn định, các tổ còn lại hoạt động còn khó khăn, chưa đi vào nề nếp. Thường trong sinh hoạt, Tổ Nhân dân tự quản tập trung vào 02 nhiệm vụ chính: Tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự; tự quản về phòng, chống học sinh, sinh viên bỏ học, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài./.

Thanh An