Xuất bản thông tin

null Cần gióng lên hồi chuông về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Trang chủ Vấn đề quan tâm

Cần gióng lên hồi chuông về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, chiều ngày 15/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Tháp Mười tổ chức Tọa đàm “Tình hình kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.

https://dongthap.gov.vn/documents/34223/0/_MG_8055.jpg/36fd220a-b828-4f57-92f8-251dff053ef5?t=1600216244105

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan: Cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh
về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Buổi Tọa đàm có sự tham dự của Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan; lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh uỷ; lãnh đạo các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Lai Vung và thành phố Cao Lãnh cùng nhiều nông dân, hội quán, doanh nghiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

https://dongthap.gov.vn/documents/34223/0/bieudo+%281%29.jpg/5ba69751-7618-0ae6-d07d-b8fdfc67b756?t=1600216218711

Giá trị nhập khẩu một số mặt hàng (triệu USD) từ đầu năm đến 15/6/2020
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo thống kê của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay nông dân lạm dụng quá nhiều thuốc hoá học trong canh tác cây trồng, việc tuân thủ nguyên tắc 04 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế nên nguy cơ tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản là rất cao. Điển hình, trên cây lúa có trung bình phun thuốc đến 7,6 lần/vụ, cây ăn trái là 10 lần/vụ, rau màu là 8,8 lần/vụ.

Sự tư vấn của các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp cho nông dân trong lựa chọn sản phẩm phòng trừ dịch hại trên cây trồng còn hạn chế, chưa đúng đối tượng, phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun. Vì vậy, diện tích chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP v.v.) còn rất hạn chế.

Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 2.650 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tình hình sử dụng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng vẫn xảy ra tại một số địa phương. Hằng năm, Thanh tra Sở đều tổ chức Đoàn kiểm tra và xử lý vi phạm trên lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Năm 2019, phát hiện 29 trường hợp vi phạm, 09 tháng đầu năm 2020 có 23 trường hợp vi phạm.

Qua thông tin về tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, hầu hết nông dân tham gia Tọa đàm đều nhận thức được tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc hóa học có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và gây hại cho môi trường.

Một số nông dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc nông dân sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật là do nhiều chủ vựa nông sản chỉ chú trọng đến mẫu mã đẹp mà không quan tâm đến chất lượng, tính an toàn, chưa có sự chênh lệch nhiều về giá đối với “nông sản sạch” và “nông sản bẩn”; chế phẩm sinh học có tác dụng khá chậm, nông dân chưa nắm rõ kỹ thuật canh tác nên còn e ngại khi sử dụng v.v..

Các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp thì cho biết, mặc dù đã được tập huấn nhưng đôi khi chính nhiều đại lý này cũng không nắm rõ về chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy dễ dẫn đến tình trạng kinh doanh sản phẩm không đạt chất lượng.

https://dongthap.gov.vn/documents/34223/0/_MG_8040.jpg/36321b5b-735e-7533-e75e-4917adda9b15?t=1600216232534

Ông Trần Ngọc Thông - Câu lạc bộ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp thành phố Cao Lãnh
chia sẻ về hoạt động của Câu lạc bộ trong việc tư vấn cho nông dân
sử dụng thuốc bảo vệ đúng cách

Nông dân đồng tình với phương thức liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tuân thủ theo quy trình doanh nghiệp đưa ra để tránh việc phun xịt thuốc vô tội vạ. Cùng với đó là nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, hướng dẫn quy trình sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng; thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi lựa chọn nông sản; chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa đối với người sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.

Giải pháp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đưa ra,  đó là sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong sản xuất.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tuyên truyền, cập nhật kiến thức giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của người sử dụng, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan, việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng không chỉ gây hại cho người khác mà còn gây hại cho chính mình. Minh chứng là tình trạng phơi nhiễm thuốc hóa học trong cơ thể con người được phát hiện gần đây, có đến 85% đối với người trực tiếp sản xuất và thậm chí người không trực tiếp sản xuất cũng nằm trong nhóm nguy cơ.

Qua những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có kiểm soát, Bí thư Tỉnh uỷ Lê Minh Hoan đề nghị nông dân phải tự đặt ra câu hỏi: Vì sao người khác làm được? Và tự bản thân mỗi người phải thay đổi phương thức sản xuất, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích trong ngắn hạn mà đánh mất cả hệ sinh thái đất đai, đánh đổi sức khỏe bản thân và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn phải có những mô hình cụ thể về sản xuất sạch, giảm giá thành để nông dân thấy hiệu quả, thực hiện theo; liên kết các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp lại với nhau, vận động họ cùng tham gia vào hội quán để cùng trao đổi, bàn bạc, hợp tác với nông dân trong từng mùa vụ.

Phải xem đây là cuộc cách mạng, cùng cam kết, chung sức, chung lòng để cắt được “cơn nghiện thuốc bảo vệ thực vật” của ngành nông nghiệp mình, đó là tương lai không chỉ của mình mà còn của con cháu mình - Bí thư Tỉnh uỷ chỉ rõ; đồng thời nhấn mạnh, thay đổi thói quen đã ăn sâu không thể làm cùng một lúc, đòi hỏi sự kiên trì và không có gì là không làm được.

Với khẩu hiệu: Sản xuất, mua bán nông sản là trao đi sức khỏe, nhận lại niềm tin, Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu ngành nông nghiệp ngay sau buổi Tọa đàm này phải tổng hợp đầy đủ các vấn đề đặt ra trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay, nghiên cứu giải pháp khắc phục từng vấn đề cụ thể, trong đó có trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp, nông dân./.

Khánh Vy (Nguồn: dongthap.gov.vn)